Qua đời Uyển_Dung

Trong quá trình di tản của Mãn Châu quốc trong thời gian Liên Xô xâm lăng Mãn Châu vào năm 1945, Phổ Nghi đã cố gắng chạy trốn khỏi Mãn Châu và để lại Hoàng hậu Uyển Dung, Lý Ngọc Cầm và một số thành viên Hoàng gia khác[12]. Khi đó, Uyển Dung cùng em dâu Hiro Saga, vợ của em trai Phổ Nghi là Phổ Kiệt, đã cố gắng chạy đến Hàn Quốc nhưng bị chính phủ Cộng sản Trung Hoa bắt lại tại Lâm Giang, Bạch Sơn vào tháng 1 năm 1946. Họ đã bị đưa đến những nhà tù ở những nơi khác nhau như Thông Hóa, Trường Xuân, Vĩnh CátĐôn Hoá[13]. Khi Quốc dân Cách mệnh Quân đánh bom Cát Lâm, Uyển Dung và Saga lại được đưa về một nhà tù ở Diên Cát[14].

Trong thời gian này, Uyển Dung bị hành hạ kinh khủng bởi những triệu chứng của cơn đói thuốc phiện, cũng như tình trạng sức khỏe rất yếu khiến bà rất yếu ớt. Người em dâu Saga luôn cực khổ chăm sóc bà. Những lúc bà trở nên ảo giác về hồi ức khi còn là Hoàng hậu, bà không tự chủ lên giọng với những người lính canh và bị họ cười nhạo, thậm chí đánh đập. Khi Saga bị chuẩn đi nơi khác, Uyển Dung không còn ai chăm sóc và từ đó bà héo mòn chờ chết. Vào ngày 20 tháng 6 năm 1946, Uyển Dung qua đời do suy dinh dưỡng và thiếu thuốc phiện, hưởng dương 39 tuổi. Thi thể bà được nghi ngờ chôn cất trong một ngôi mộ tập thể trong tù. Do qua đời với tư cách thường dân, bà không có tang lễ và thụy hiệu như một Hoàng hậu chân chính.

Năm 2006, ngày 23 tháng 10, em trai bà đã tổ chức một nghi thức mai táng theo lễ nghi chiêu hồn cho bà vào Thanh Tây lăng gần Bắc Kinh, hợp táng với Phổ Nghi ở Phổ Nghi mộ (溥仪墓). Năm 2002, bà được "Tuyên Quốc công" (không rõ xuất thân) kiến nghị thụy hiệu là Hiếu Khác Mẫn Hoàng hậu (孝恪愍皇后), đây được xem là "thụy riêng", chứ không được bất kỳ hoàng thất Mãn Thanh nào công nhận[15].